Đăng lúc: 25-11-2021 - Đã xem: 670
Nói đến những tay đấm quái kiệt ở miền Nam trước năm 1975, cố võ sư Minh Cảnh là một tượng đài sừng sững mà bất kỳ võ sĩ nào cũng phải dành cho ông sự ngưỡng mộ. Sinh thời, võ sư Minh Cảnh từng được tôn làm "Võ Vương" với những cú đòn thần sầu làm nản lòng biết bao đối thủ.
“VÕ VƯƠNG” QUYỀN ANH – BẤT KHẢ CHIẾN BẠI
Võ sư Minh Cảnh tên thật là Nguyễn Văn Cảnh, sinh năm Nhâm Tuất (1922) ở huyện Cai Lậy, Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình nông dân nghèo. Ông sớm nổi danh trong giới võ thuật nhờ khả năng di chuyển linh hoạt, nhanh như sóc và cú móc trái làm "thần sầu quỷ khóc".
Mê võ thuật từ nhỏ nhưng huyền thoại Minh Cảnh không được tiếp cận ngay từ sớm như nhiều võ sư khác. Năm lên 10 tuổi, ông đã phải theo mẹ sang Cao Miên (Campuchia ngày nay) sinh sống. Sau 5 năm lưu lạc xứ người, ông quay về Sài Gòn. Minh Cảnh biết đến quyền Anh từ một lần đi xem đấu võ đài ở Sài Gòn.
Sư phụ đầu tiên của Minh Cảnh là Sư Muôn, thấy Minh Cảnh chuyên đóng vai "quân xanh" để cho người Pháp luyện quyền Anh, thương tình thầy Sư Muôn bèn kêu về dạy cho những đòn thế cơ bản. Dạy đến đâu, Minh Cảnh lĩnh hội đến đấy.
Luyện với Tây nhiều, Minh Cảnh càng đánh càng lên. Luyện mãi rồi cũng thành tài, Sư Muôn quyết định đưa cậu học trò đi đánh đài. Ngay trận đầu tiên, Minh Cảnh đã nhận được lời thách đấu từ nhà vô địch Ngọc Thôi. Biết học trò của mình chưa đủ mạnh, Sư Muôn giao Minh Cảnh qua cho ông thầy Ocampo người Philippines để luyện thêm, vừa luyện vừa đưa đi đánh.
Phải trải qua vài trận, gặp hết "người này, người kia" rồi thì thầy Minh Cảnh mới cho "đụng" Ngọc Thôi. Hạ đẹp Ngọc Thôi, tên tuổi Minh Cảnh "lên luôn", từ đó đối thủ của võ sĩ trẻ này chủ yếu là Tây, là những võ sĩ người Pháp và Philippines và đều thắng hết.
Trận gặp võ sĩ Saysak - "đệ tử cứng" của nhà vô địch Thái Tinoi, cao đến 1m8 ở sân Tao Đàn, suýt chút nữa là khán giả Sài Gòn phản ứng khi võ sĩ Thái Lan chơi xấu húc đầu khiến Minh Cảnh choáng váng, song Minh Cảnh chủ động nói với khán giả không sao đâu, để trận đấu được tiếp tục.
Cú ra đòn tiếp theo, Minh Cảnh đưa đầu ra, nhứ cho Saysak thực hiện lại "đòn bẩn", nhưng khi tay đấm người Thái này vừa ngóc đầu lên, Minh Cảnh đã tung cú đấm móc trời giáng vào giữa cằm khiến đối thủ bật ngửa. "Ông thầy" Tinoi ngồi dưới lập tức quăng khăn trắng xin thua cho học trò.
Dù bắt đầu sự nghiệp võ đài từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước, nhưng cái tên Minh Cảnh trở nên quen thuộc trong giới võ thuật và nổi lên trong thập niên 40 – 60 của thế kỷ 20 tại khu vực miền Nam. Vì thế, ông được cho là tay đấm giàu thành tích nhất làng võ lúc bấy giờ. Minh Cảnh được giới võ thuật và báo chí tôn xưng là “Võ Vương”, chỉ xếp sau huyền thoại Kid Dempsey nhưng trên cả Huỳnh Tiền, Văn Đại, Văn Hoán, Minh Sang... những cái tên lẫy lừng một thời trên sàn đấu trước 1975.
Nhắc đến Minh Cảnh, giới võ thuật đều phải nghiêng ngả với tuyệt chiêu “cú móc tay trái sấm sét”. Cùng với đó là thân hình cân đối, di chuyển lanh lẹ, linh hoạt. Đặc biệt, năm 1946 là cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời tay đấm này, khi vô địch Đông Dương. Thời điểm đó, Minh Cảnh đã đả bại tay đấm người Pháp Pannutti để giành chiếc đai vô địch một cách ngoạn mục.
Thậm chí, sau trận đấu với chiến thắng vang dội của Minh Cảnh, có tờ báo còn viết: “Nói đến môn võ thuật và nhất là khi phải tìm một võ sĩ có thể thay mặt cho “làng đấm” Việt Nam để nghinh địch với người nước ngoài mà khỏi bị mang tiếng là tụi “ếch nằm đáy giếng”, có lẽ Tổng cục quyền Anh xứ này không chọn ai hơn Minh Cảnh”.
Không biết bao nhiêu đối thủ đã bị hạ dưới tay Minh Cảnh, song đối thủ khiến ông nhớ và tôn trọng nhất là một tay đấm người Pháp, mang tên Campana. Võ sĩ người Pháp nặng 72 kg, trong khi Minh Cảnh nặng có 54 kg, lại thấp hơn đối thủ rất nhiều.
Họ gặp nhau lần đầu tiên ở sân Nguyễn Văn Hảo. Trận đấu ấy, Minh Cảnh lần đầu tiên bị đối thủ đánh cho tơi bời, bị đối thủ đánh nằm sàn. Khi trọng tài đếm đến 8 thì Minh Cảnh đứng dậy được. Ngay lúc ấy, tiếng chuông hết hiệp đã cứu ông. Qua hiệp sau, biết đòn ngang của đối phương quá mạnh, Minh Cảnh dùng "thủ thuật" chêm kéo tay lên đỡ, khiến cánh tay của Campana bị cùi chỏ ăn vào, bị thương, phải bỏ cuộc.
Sau trận đấu ấy, trước khi về Pháp trị thương và tập luyện, Campana hẹn với Minh Cảnh 6 tháng sau tái đấu. Trận tái đấu căng thẳng và cân bằng hơn nhiều, rốt cuộc Minh Cảnh chiến thắng ở hiệp thứ 6, khiến Campana phải tâm phục khẩu phục.
Không dừng ở đó, Campana gọi bằng được em trai mình là nhà vô địch quyền Anh nước Pháp qua Sài Gòn đấu với Minh Cảnh. Trận đấu ấy kết thúc với kết quả hòa. Tay đấm vô địch người Pháp thất vọng đến mức đập vỡ cả cửa kính của nhà thi đấu.
Dám lên đài ở những trận đấu mà không ai dám lên, ở thời điểm võ thuật nước nhà cần lấy lại vị thế trước sự coi thường của người nước ngoài, Minh Cảnh xứng đáng là "Võ vương" tuyệt đối trong mắt giới võ thuật Sài Gòn thời ấy, không những ở tài năng, mà còn ở khí chất bất khuất một võ sĩ Việt Nam.
TRẬN ĐẤU BÍ ẨN: VÕ SĨ GIÀ ĐÁNH ĐỐI THỦ CHÊNH 20KG
Giữa năm 1969, người hâm mộ võ thuật miền Nam không khỏi hồi hộp, nôn nao trước thông thông tin có sự xuất hiện trở lại của “võ vương” Minh Cảnh so găng với tay đấm đến từ Mỹ John C.Millev trong “độ then chốt.
Trước thông tin, “võ vương” thượng đài, rất đông khán giả đã kéo tới sân Tinh Võ để chứng kiến “võ vương” Minh Cảnh sẽ làm cho tay đấm người Mỹ phải khóc hận như thế nào.
Nhưng trên thực tế John C.Millev (thuộc ngành quân y, 24 tuổi) cao tới 1m80, nặng xấp xỉ 80 kg, người rắn chắc, sải tay dài, bắp thịt cuồn cuộn, hơn “Võ vương” tới 19kg và 22cm. Rõ ràng sự chênh lệch này khiến nhà cựu vô địch Đông Dương chưa đấu đã thất thế trước đối phương.
Hiệp đầu, John chỉ dùng những cú chọc thẳng để vờn Minh Cảnh, sang hiệp nhì, thỉnh thoảng Minh Cảnh nhập nội chịu đòn và trả đòn nhưng vì thấp nên những cú đánh vòng vào quai hàm đối thủ phải cất tay lên, khiến lực yếu đi rất nhiều. Cuối hiệp hai, John dồn võ sĩ chủ nhà vào góc đài và tung ra một số cú móc khá mạnh trúng đích. Đến hiệp cuối, có lẽ thấy khó “làm nên cơm cháo” nên Minh Cảnh lui về thế thủ, cả hai vờn qua lại như một cữ dợt chờ hết giờ, khiến khán giả bất bình la ó phản đối rầm trời. Kết quả, trọng tài Nguyễn Son tuyên bố John C.Millev thắng điểm.
Ngày hôm sau, hàng loạt tờ báo phân tích mổ xẻ trận đấu “kỳ quặc” trên đồng thời tỏ thái độ lên án Tổng Cục Quyền Thuật đã cố ý “cáp độ” trận này nhằm mục đích lợi dụng tên tuổi “Võ vương” Minh Cảnh để bán vé.
Con trai ông là cựu võ sĩ Minh Hoàng sau này tiết lộ: “Thật sự cha tôi không biết nhiều về võ sĩ người Mỹ này, nên khi TCQT yêu cầu thi đấu thì nhận lời thượng đài vì nghĩ mình còn đủ khả năng để thể hiện. Nhưng đến lúc bước lên võ đài, ba tôi mới ngỡ ngàng bởi sự “cáp độ” tùy tiện của TCQT do quá chênh lệch hạng cân và tuổi tác giữa hai tay đấm, song vì danh tiếng và vì khán giả, ông cụ phải cố sức chịu đòn của đối thủ suốt cả 3 hiệp, chỉ chịu thua điểm trong danh dự”.
Ngoài sự nghiệp lừng lẫy trên võ đài, võ sư Minh Cảnh còn đào tạo ra nhiều tên tuổi nổi tiếng. Tiêu biểu phải kể đến: Minh Thanh (tên thật là Nguyễn Văn Thành), Minh Lang (võ đường Lữ Gia ở Nha Trang, Khánh Hòa) hay Minh Thanh Cường, Minh Thanh Sơn…
Cố Võ sư Minh Cảnh cũng có người con trai kiệt xuất là Nguyễn Minh Hoàng. Võ sư Nguyễn Minh Hoàng hiện nay là nhân vật có uy tín và được nhiều anh em làng võ kính trọng. Ông đang làm công tác trọng tài tại Liên đoàn Muay TP.HCM.
Đạt Võ (TH) - Fighter Việt Nam