Tin tức

SONG PHƯỢNG KIẾM

Đăng lúc: 08-01-2022 - Đã xem: 528

Song phượng kiếm là bài binh khí đôi của Võ cổ truyền Việt Nam, thuộc dòng Võ cổ truyền Bình Định, đơn vị truyền dạy và lưu giữ là Môn phái Long Hổ Không Hồng. Bài kiếm này do Đô đốc Bùi Thị Xuân nghiên cứu thao pháp mà thành trong thời kỳ bà huấn luyện tượng binh ở vùng Tây Sơn Thượng.

Kiếm đi thức đẹp. Kiếm tựa gió bay. Kiếm như rồng lượn. Tĩnh kiếm như trinh nữ. Động kiếm tựa rồng bay. Kiếm hoa như phụng vũ.

Kiếm là loại binh khí ngắn hai lưỡi trong “Thập bát ban võ nghệ”, được tôn là “Vua của trăm binh khí có lưỡi”. Sách sử chép rằng kiếm xuất hiện sớm từ xưa. Trong thời kỳ cổ đại, ngoài việc dùng kiếm để chiến đấu và luyện tập võ nghệ, kiếm còn là vật tượng trưng cho quyền lực, địa vị của vua chúa, phân định đẳng cấp lễ nghi trong xã hội.

Đại Võ sư Trương Văn Bảo.

Kiếm được các vị đạo sư, đạo sĩ dùng làm “pháp khí” trong tôn giáo với quan niệm cho rằng kiếm là vật có thể “ẩn thân, hàng yêu, trừ quỷ”. Ngoài ra kiếm cũng còn được coi là một vật trang sức phong lưu, nên văn nhân, học sĩ đeo kiếm để tỏ ra mình là người cao nhã, không dung tục.

Đạo dùng kiếm là thiên biến vạn hóa, là bách kiếm hóa nhất, thiên kiếm hóa nhất, vạn kiếm hóa nhất. Nhất điểm phát vạn thù, vạn thù quy nhất điểm. Hiểu được bí quyết trong đó là có thể tự chủ, an nhiên mà ứng biến.

Tuyệt luân kiếm pháp là vô chiêu thắng hữu chiêu, bề ngoài có vẻ như không có gì nhưng bên trong là tuyệt kỹ, bởi vì người và kiếm đã hòa cùng một thể.

Người giác ngộ dụng kiếm hòa cùng thần kiếm, chiêu thức kiếm ở trong ý kiếm, nên đánh Đông trúng Đông, đánh Tây trúng Tây, mặt trời, mặt trăng cùng xuất kiếm, hợp nhất thành một chiêu. Đất Trời cùng hợp lại với nhau thành Một. Đến lúc ấy cũng không còn có ta và cũng không còn có kiếm.

Vận động viên thực hiện thành công bài Song phượng kiếm qua các giải Vô địch Võ cổ truyền trong và ngoài nước, đạt danh hiệu Kiện tướng quốc gia là Chuẩn võ sư Trần Thị Tuyết Trinh, đơn vị Bình Định.

Lời thiệu bài Song phượng kiếm:

Lợi kiếm mộ hồn thương.

Vân phi hà nguyệt tẩu.

Phượng dực đáo lâm tiền.

Tứ quý bảo nam bang.

Đông sương lưu quan ải.

Hậu nhựt kiếm loang phi.

Tây thiên hà kiếm khách.

Phượng dực đáo sơn bồng.

Dịch nghĩa:

Hồn thương theo kiếm bén.

Mây trăng chạy ngược nhau.

Bìa rừng chim phượng múa.

Bốn mùa giữ nước Nam.

Đông về sương quan ải.

Ngày sau ngắm loang bay.

Trời Tây nào kiếm khách.

Cánh phượng đến non bồng.

Bài có 8 câu, mỗi câu có 8 đơn thao, toàn thao có 68 hành. Theo nghệ thuật cấu trúc các thao không trùng lặp.

Bài Song phượng kiếm theo tài liệu của Môn phái Long Hổ Không Hồng.

Chưởng môn: Võ sư Nguyễn Đông Hải (Thích Vạn Thanh). Võ sư cao cấp Võ Văn Tính và Võ sư Nguyễn Phi Phụng - Câu lạc bộ Võ cổ truyền Trung Tính - Phước Thuận - Tuy Phước - Bình Định giới thiệu.

Đại Võ sư Trương Văn Bảo - Đà Lạt 

 

0985429842 - 0939429842
Điện thoại : 0985429842