Tin tức

HƯƠNG KIỂM KÍNH – SÁNG TỔ LÒ “ PHI LONG” BÌNH ĐỊNH

Đăng lúc: 01-10-2021 - Đã xem: 650

Cố Võ sư Hương Kiểm Kính (Huỳnh Liễu 1904 – 1981) sinh ra tại Thôn Cát Hiệp, Huyện Phù Cát, Bình Định. Ông đam mê võ từ nhỏ, thông minh, đặc biệt là ông có sức mạnh bẩm sinh, nhanh nhẹn nên từ nhỏ đã được Võ sư Xã Thấn (dượng rể) phát hiện tài năng nên trực tiếp truyền dạy từ lúc 13 tuổi. Ông sớm bộc lộ tài năng thiên bẩm khi tham gia các trận đấu võ ta. Mặc dù ông giành chiến thắng, nhưng ông vẫn cảm thấy mình chưa hoàn thiện các kỹ thuật đấm, đá, chỏ, gối, “rờ ve”, quyền thuật và binh khí. Chính vì vậy, ông quyết tâm tìm đến các võ sư nổi danh của Bình Định đương thời là: Võ sư Mười Hổ (Hồ Thôi), Võ sư Chiếu Quảng Ấm, Võ sư Tam Hồng Kiệt để học hỏi thêm. Sau thời gian chuyên cần luyện tập và thi đấu, võ sĩ Hương Kiểm Kính nổi lên là một trong những võ sĩ nổi tiếng nhất miền đất võ, rất nhiều võ sĩ nổi danh đã bị hạ dưới quả đấm của ông.

Cố Võ sư Hương Kiểm Kính (Huỳnh Liễu 1904 – 1981) 

Sau khi đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp đã cấm toàn bộ hoạt động tập luyện và thi đấu võ thuật, vì thực dân Pháp cho rằng võ thuật là một trong những mầm móng của các phong trào võ trang yêu nước chống lại sự xâm lược của chúng ở Đông Dương. Từ năm 1925, thực dân Pháp bắt đầu cho phép phục hồi và thi đấu võ thuật tại Việt Nam. Thời gian này, Pháp chia Việt Nam thành 3 Kỳ: Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ nói riêng và Liên Bang Đông Dương (Việt Nam – Lào – Campuchia) nói chung. Hoạt động võ thuật thời gian đầu này bao gồm hai môn chính là Quyền Anh hay Boxe Anglais, và võ bản địa của Việt Nam với tên gọi không thống nhất là (Quyền Anh An Nam, Võ Ta hay boxe Annamite), ở Lào gọi là võ Lèo, ở Cao Miên gọi là võ Miên.

\

Cố Võ  sư Phi Long Thảo (Huỳnh Thảo 1938 – 2009) trên  một  trang  báo võ  thuật

 Trong thời Pháp thuộc, việc thi đấu Quyền An Nam (Võ Ta – Võ Dân Tộc) dựa theo luật thi đấu của Quyền Anh. Mỗi hiệp 3 phút, trung bình trận đấu diễn ra 3 hiệp, mỗi hiệp nghỉ 1 phút. Võ sĩ thường ở trần, quần đùi, không mang găng (quấn vải ở tay hoặc để tay không). Võ sĩ thi đấu trên nền đất, thường vẽ vòng tròn, thi đấu trong vòng đó, được sử dùng đòn đấm, đá, chỏ, gối, “rờ ve” bỏ (sàn) ngựa thuận nghịch, bắt bông, thủ bộ, thuật nghữ “rờ ve”, “túc bất ly địa” xuất hiện trong thời gian này.

 Có rất nhiều võ sư nổi danh ở Bình Định thời này nhưng nổi tiếng nhất là Biện Quyền (Lý Xuân Tạo), Hương Kiểm Kính (Huỳnh Liễu), Hương Kiểm Bửu (Nguyễn Văn Thành), Hà Trọng Sơn – Hùm Xám Miền Trung…

 Trước thời Pháp thuộc 1954, Võ sư Hương Kiểm Kính (Huỳnh Liễu) đã truyền dạy võ cho rất nhiều người dân trong vùng, đặt biệt là con trai trưởng của mình Huỳnh Thảo (Phi Long Thảo 1938 – 2009), Phi Long Chánh (Lý Chánh 1932 – 1984, cháu ruột).

Cố Võ  sư Phi Long Thảo (Huỳnh Thảo 1938 – 2009) 

 Năm 1965, Võ sư Hương Kiểm Kính (Huỳnh Liễu) cùng con trai cả Phi Long Thảo (Huỳnh Thảo) chính thức mở võ đường dạy võ tự do tại ngã ba Phú Tài, Huyện Tuy Phước, Bình Định. Võ đường Phi Long Thảo – Phi Long Tây Sơn Võ Thuật Đạo là tên chính thức, do con trai trưởng Huỳnh Thảo (Phi Long Thảo) trực tiếp huấn luyện, võ sư Huỳnh Liễu làm cố vấn. Các võ sĩ từ võ đường Phi Long Thảo đã làm nên một thương hiệu “Phi Long” cho miền đất võ, và rất nhiều võ sĩ giỏi được đào tạo từ đây như:

- Phi Long Thắng – Vô Địch Võ Tự Do – Giải Vô Địch Phân Cuộc Quyền Thuật Bình Định mùa 1973 – 1974.

- Phi Long Sanh (Huỳnh Ngọc Sanh 1954 -2012, Vô Địch Võ Tự Do – Giải Vô Địch Phân Cuộc Quyền Thuật Bình Định mùa 1973 – 1974, (con thứ 8 võ sư Huỳnh Liễu)

- Lý Hoàng Tùng (em ruột cố võ sư Phi Long Chánh) hiện nay là Chủ tịch Tổng Hội Võ Thuật Phát Triển Thế Giới tại Mỹ

- Phi Long Nghĩa

- Phi Long Sơn (con võ sư Phi Long Thảo) và các võ sĩ khác

Cố võ sư Phi Long Sanh ( Huỳnh Ngọc Sanh 1954 -2012), kỷ  niệm  nhận cúp Vô Địch Võ Tự Do – Giải Vô Địch Phân Cuộc Quyền Thuật Bình Định mùa 1973 – 1974

Sau 30/4/1975 Việt Nam hoàn toàn thống nhất, Võ đường Phi Long Thảo phải đóng cửa tại Tuy Phước, Bình Định. Năm 1978, Lão Võ sư Huỳnh Liễu, võ sư Phi Long Thảo, võ sư Phi Long Sanh vào Xuân Lộc, Đồng Nai lập nghiệp. Võ sư Phi Long Sanh mở võ đường mang tên“ Võ Đường Phi Long Sanh” dạy võ ở đây và phải đóng cửa võ đường khi ông mất năm 2012. Ông đã đào tạo được nhiều võ sĩ giỏi như: Phi Long Hùng, Phi Long Nghĩa, Phi Long Dung, Phi Long Kha (con võ sư Phi Long Sanh), Điểu Văn Sang…

Cố Võ  sư Phi Long Thảo (Huỳnh Thảo 1938 – 2009) 

Võ sư Phi Long Chánh (cháu ruột của Võ Sư Hương Kiểm Kính) dạy võ tại tư gia 1976 và chính thức mở võ đường mang tên “Võ Đường Phi Long Chánh” vào năm 1980 ở thành phố Nha Trang. Võ sư Phi Long Chánh đã đào tạo các võ sĩ nổi tiếng như:

- Phi Long Tuấn (Lý Hoàng Tuấn - con trai cả) hiện nay là chủ tịch hội Võ cổ Truyền Khánh Hoà

- Phi Long Tuấn Em (Lý Hoàng Anh)

- Phi Long Hiềnn

- Phi Long Yến Phượng (Lý Thị Hoàng Phượng)

- Phi Long Cư, Phi Long Đề, Phi Long Nga, Phi Long Mười ….

võ sư Phi Long Tân (Lý Hoàng Tân 1984 – cháu nội cố Võ sư Phi Long Chánh) Huy  Chương  Đồng Sea Games  25 Muay Thái tại Lào

Hiện nay, võ sư Phi Long Tân (Lý Hoàng Tân 1984 – cháu nội cố Võ sư Phi Long Chánh), hiện là huấn luyện viên đội tuyển Muay – KickBoxing tỉnh Khánh Hoà, một trong võ sĩ xuất sắc đất Khánh Hoà trong những năm 2000-2010, vẫn giữ lửa và tiếp tục nghiệp võ của cha ông truyền dạy. “Võ đường Phi Long Chánh” hiện nay ở số: 18/12 Cầu Bè, Thành phố Nha Trang, Khánh Hoà do võ sư Phi Long Tân trực tiếp giảng dạy các môn võ như: Võ tự do, Muay, KickBoxing…

0985429842 - 0939429842
Điện thoại : 0985429842