Đăng lúc: 10-12-2021 - Đã xem: 550
Trân trọng cảm ơn Lương y - Võ sư Huỳnh Ngọc Bình, An Vinh - Bình Định đã giới thiệu bài “MÃ HỒI THƯƠNG – NGỰA CHỐNG GẬY ĂN MÀY”.
Ngạn ngữ võ học nói rằng: “Đao như mãnh hổ, thương tựa giao long - Thương đâm một đường kẽ, côn đánh cả vùng rộng - Thương thọc một đường, gậy đâm một nẻo”. Hồi mã thương hay hồi mã thế là kỹ thuật chiến đấu bằng thương thời cổ. Đây được coi là một tuyệt chiêu võ thuật của người xưa. Hồi mã thương là đòn thế cơ bản và đặc trưng của thương pháp và được sử dụng trong mọi thời kỳ của chiến tranh cổ đại.
Thương là một loại khí giới thời cổ, trong chiến đấu chuyên đâm, thọc và có lực sát thương rất lớn. Thương là do mũi thương, ngù thương, cán thương cấu tạo thành. Thương có độ dài ngắn khác nhau và tên gọi cũng khác nhau. Trong thi đấu võ thuật hiện đại, quy định thương bằng chiều cao của vận động viên và giơ tay lên, ta gọi là một đầu và một với. Thương có rất nhiều chủng loại nhưng gần gũi với chúng ta trong tập luyện hiện nay là tứ giác thương, tiễn hình thương, đơn câu thương, song câu thương.
Đại Võ sư Trương Văn Bảo
Thương thuật cơ bản là cầm thương vững trơn, trước quản sau khóa, trước lỏng để dễ điều khiển, sau chặt chẽ, vững vàng. Hai tay cầm thương chắc mà không chết cứng, trơn mà không tuột. Thế giữ thương quý ở tứ bình: đỉnh bằng, vai bằng, chân bằng, thương bằng, gốc không rời hông. Đâm thương thì ra thẳng, vào thẳng, phải bằng, ngay, linh hoạt, mau lẹ, kình lực mạnh từ hông đâm thẳng thấu ra tận đầu mũi, thế thương vào ra như giao long ẩn hiện.
Kỹ thuật cốt yếu của Hồi mã thương nguyên thủy phải gồm 03 yếu tố đó là vũ khí (thương), phương tiện (ngựa - mã) và chiến thuật (hồi - đột ngột tập kích trở lại). Nói chung đây là một chiến thuật chiến đấu mà các chiến sĩ chủ yếu dùng cây thương làm vũ khí. Trong chiêu này, người ta giả vờ thua chạy, nhử cho đối thủ đuổi theo thật sát sau lưng rồi bất ngờ quay ngựa phóng thương (hoặc đâm ngược) để phản kích. Sự độc đáo của đòn hồi mã thương là tính bất ngờ, khiến đối phương không kịp trở tay. Một kỹ thuật được cho là tương đồng với hồi mã thương là chước đà dao hay đà đao.
Võ sư Hùynh Ngọc Bình, Võ cổ truyền Bình Định, dòng dõi An Vinh, nguyên Chủ tịch Hội Võ thuật và Chủ tịch Hội Đông y huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định những năm cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990. Võ sư Hùynh Ngọc Bình đang hành nghề Lương y tại Ba Đình, Hà Nội, ông có tham dự các kỳ Hội nghị chuyên môn Võ cổ truyền toàn quốc thời gian đầu, tuổi tuy ngọại lục tuần nhưng còn khỏe mạnh và minh mẫn, ông cho biết ở An Vinh, Bình Định lưu truyền một bài thương có tên “Mã hồi thương”, khác với “Hồi mã thương”, đặc biệt có tên gọi dị biệt là “Ngựa chống gậy ăn mày”, tên gọi này cuốn hút người viết nên quyết tâm tìm hiểu tận tường.
Võ sư Hùynh Ngọc Bình cho biết bài “Mã hồi thương” này do Võ sư Nguyễn Trọng Sang được thừa kế từ ông nội là Cụ Nguyễn Văn Huyến, An Vinh, Bình Định, gọi là Hương Kiểm Huyến truyền dạy.
MÃ HỒI THƯƠNG - NGỰA CHỐNG GẬY ĂN MÀY
Nhập môn bái tổ.
Vẹt gió tầm mây.
Phá giang truy mã.
Lục lạc mê hồn.
Vó ngựa rung chuông.
Xuất thương đoạt mệnh.
Đáo mã truy hồn.
Tứ mã xung thiên.
Hồi thương bái tổ.
Sử chép Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, sau là vua Lê Đại Hành (941 - 1005) trên lưng ngựa, sử dụng thương như giao long vùng vẫy giữa biển khơi, đánh bại Chiêm Thành, giết tướng nhà Tống là Hầu Nhân Bảo, bắt sống Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân giải về Hoa Lư, mang thanh bình về cho Đại Cồ Việt một thời. Đến nay, một vài võ phái dùng thương có bài Lê Đại Hành thương pháp, như môn phái Việt Nam Võ Thuật Đạo ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và Võ cổ truyền Việt Nam có rất nhiều bài thương và dị bản khác.
Đại Võ sư Trương Văn Bảo - Đà Lạt