Đăng lúc: 23-09-2021 - Đã xem: 5525
Cố Đại Võ Sư Tấn Hoành (1920 – 2001) tên thật là Nguyễn Trần Tiếp, tên thường gọi là “Hoành”. Ông là một trong ba bậc thầy võ nổi tiếng nhất Quảng Ngãi từ thời Pháp thuộc là Võ sư Bảo Truy Phong, Võ sư Tấn Hoành, Võ sư Lâm Võ.
Cố Đại Võ Sư Tấn Hoành (1920 - 2001)
Ông sinh ra trong một gia đình khá giả tại Quảng Ngãi. Ông đam mê võ thuật từ nhỏ. Năm 15 tuổi, ông lén cha mình vào Bình Định học võ, và cơ duyên ông được người thầy giỏi võ truyền dạy. Người thầy của ông là một vị sư, tu luyện ở một cốc nhỏ trên một quả đồi ở Bình Định. Vị sư ấy mang họ “Tấn”, là một nhà vô địch Quyền An Nam (võ ta) trong năm 1933 và đã từng trao đổi và học thêm Quyền Anh từ người Pháp, chán cuộc sống tranh đấu nên đã quay về Bình Định ẩn náu, tu hành. Là người ham học hỏi, với năng khiếu võ và có sức mạnh bẩm sinh, sau 5 năm trao dồi, luyện tập võ thuật, ông đã được Thầy truyền cho các tuyệt kỷ về võ ta: đấm, đá, chỏ, gối, ngựa thuận – nghịch và đặc biệt là bộ pháp di chuyển hoàn toàn khác biệt với võ ta là Quyền Anh…. và được căn dặn rằng: không được nói cho ai biết thông tin về Thầy. Bặc tin suốt 5 năm, ông mới quay về quê nhà Quãng Ngãi năm 1940.
Cháu nội cố Đại võ sư Tấn Hoành, võ sư Tấn Luỹ - Huấn luyện viên đội tuyển Muay Quảng Ngãi & học trò
Sau khi đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp đã cấm toàn bộ hoạt động tập luyện và thi đấu võ thuật vì thực dân Pháp cho rằng võ thuật là một trong những mầm móng của các phong trào võ trang yêu nước chống lại sự xâm lược của chúng ở Đông Dương. Từ năm 1925, thực dân Pháp bắt đầu cho phép phục hồi và thi đấu võ thuật tại Việt Nam. Thời gian này, Pháp chia Việt Nam thành 3 Kỳ: Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ nói riêng và Liên Bang Đông Dương (Việt Nam – Lào – Campuchia) nói chung. Hoạt động võ thuật thời gian đầu này bao gồm hai môn chính là Quyền Anh hay Boxe Anglais và võ bản địa của Việt Nam với tên gọi không thống nhất là (Quyền Anh An Nam, Võ Ta hay boxe Annamite), ở Lào gọi là võ Lèo, ở Cao Miên gọi là võ Miên.
Đúng vào dịp ông Nguyễn Trần Tiếp quay về quê nhà Huyện Mộ Đức, Quãng Ngải, thì tại Đình Xuân Phổ, Huyện Mộ Đức, có một võ sĩ người Pháp đã vẽ một vòng tròn lớn trên sân Đình Xuân Phổ và lên tiếng nhục mạ thách đấu với bất cứ võ sĩ An Nam nào tham gia và tuyên bố sẽ hạ gục tất cả ai thượng đài. Võ sĩ người Pháp này to cao, là cao thủ về Quyền Anh và là một võ sĩ có tiếng ở Sài Gòn, đồng thời là chủ của xí nghiệp giấy tại Quảng Ngãi. Võ sĩ người Pháp này trước đó đã thắng liên tiếp 3 võ sĩ võ ta bằng những đòn tuyệt kỹ Quyền Anh hoàn toàn khác lạ với những võ sĩ võ ta Quãng Ngãi lúc bấy giờ.
Võ sư Tấn Luỹ & học trò ở Giải Cúp CLB Muay Toàn Quốc năm 2019 tại Khánh Hoà
Lúc này tại Đình Xuân Phổ, Huyện Mộ Đức đông nghịt người dân đứng xem và cổ vũ. Bên cạnh đó, các quan chức Pháp cũng dự khán đài và cổ vũ cho võ sĩ người Pháp này. Thắng liên tiếp 3 trận liền, võ sĩ người Pháp này vô cùng hống hách, huênh hoang, la lối và lớn tiếng coi thường người An Nam có ai dám đấu nữa không? Cả sân đình im lặng thì bỗng nhiên có một người đứng ra ứng chiến, ngang nhiên đi thẳng vào vòng đấu. Lúc này có một vị trưởng bối trong làng là võ sư Bùi Tá Xuất nhận ra võ sĩ vào vòng đấu chính là Nguyễn Trần Tiếp đã quay về làng sau bao năm xa xứ. Luật thi đấu diễn ra 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút, nghỉ 1 phút giữa hiệp đấu, sử dụng tất cả tay, chân, gối, chỏ trong thi đấu, tay không (ko mang găng). Nếu võ sĩ nào bị knock-out hay xin thua coi như thua cuộc.
Tất cả người dân xem đều nín thở, vì trận đấu này liên quan đến danh dự của người Việt Nam. Nếu võ sĩ Nguyễn Trần Tiếp đánh thắng võ sĩ người Pháp này thì trị được cái thói huênh hoang coi thường người An Nam của bọn họ. Vào hiệp một, võ sĩ Nguyễn Trần Tiếp cũng vô cùng ngạc nhiên về kỹ thuật Quyền Anh điêu luyện của võ sĩ này. Ông đã bị trúng liên tiếp các đòn đấm thẳng, móc vô cùng nhanh, mạnh của võ sĩ người Pháp, nhưng ông vẫn còn trụ lại được ở hiệp một. Sang hiệp hai, ông trấn tỉnh và nhớ lại lời thầy “Tấn” của mình dạy rằng: “Bất cứ võ sĩ Quyền Anh hay võ ta nào trong thi đấu cũng có điểm yếu, con phải bình tỉnh trong thi đấu, quan sát thật kỹ, đối thủ chắc chắn sẽ bộc lộ điểm yếu, con hãy tận dụng điểm yếu của đối thủ và tung ra tuyệt chiêu “chỏ” của con, chắc chắn sẽ giành thắng lợi”.
Vào đầu hiệp hai, võ sĩ người Pháp liên tục tấn công bằng đòn thẳng trái, thẳng phải, múc, móc… nhưng võ sĩ Nguyễn Trần Tiếp nhận ra rằng sau khi tấn công bằng đòn đấm phải, võ sĩ người Pháp này thường khinh địch không phòng thủ đòn tay trái ở mặt, ông quyết định tung tuyệt chiêu sơ ri chỏ của mình, ông “nhập nội” ngay khi đối thủ đánh đòn thẳng phải, dùng tay trái đở đòn đấm phải, chỏ phải đánh ngang và kết thúc bằng đòn chỏ lật trái. Võ sĩ người Pháp bị knock-out đổ gục xuống sân đình hơn 5 phút mới tỉnh dậy, dân cả đình làng ngạc nhiên im lặng vài giây và reo hò thắng rồi, thắng rồi. Từ đó danh tiếng của ông vang vùng đất Quảng. Sau này võ sĩ người Pháp này có thách đấu với ông một lần nữa nhưng vẫn thua cuộc.
Ông đã tham gia thi đấu võ ta với một số võ sĩ trong vùng và cũng giành thắng lợi. Không những là võ sĩ giỏi mà ông còn là huấn luyện viên dạy võ cho Việt Minh chống Pháp thời kỳ đầu của Quãng Ngải. Năm 1954, Pháp ký hiệp định Genever, ông thuộc diện tập kết ra Bắc nhưng được giữ lại nằm vùng.
Võ sĩ Muay Thái Nguyễn Trần Duy Nhất
Năm 1955, lò võ “Tấn Hoành” chính thức ra mắt tại Quảng Ngãi. Chữ “Tấn” là họ của Thầy ông, để tưởng nhớ công Thầy, “Hoành” tên thường gọi của ông, là người phóng khoáng, hiệp nghĩa và ham học hỏi. Ông kết giao rất nhiều võ sư danh tiếng đương thời ở Quãng Ngải: Võ sư Bảo Truy Phong, Võ sư Lâm Võ…cũng như Sài Gòn: Võ sư Minh Cảnh, Dương Minh Quảng…Từ đó, lò “Tấn Hoành” nổi tiếng trên khắp đất Quảng Ngải và đã truyền dạy võ cho hàng ngàn võ sinh trong thời kỳ này.
Các đệ tử thành danh của ông là: Tấn Diêu (Cháu ruột), Tấn Thành (Cháu ruột), Tấn Tương Lai (Con Trai), Ngọc Cư, Tấn Ba.…Các đệ tử của Cố Võ Sư Tấn Hoành đã đào tạo ra hàng trăm nhà vô địch, hàng ngàn võ sư khắp cả nước Việt Nam từ các thời kỳ: “Võ tự do – Việt Nam Cộng Hoà 1956 – 1975, Các nhà vô địch Võ Tự Do thời kỳ 1980 – 1993, các nhà vô địch sau năm 1993: Võ Cổ Truyền, Quyền Anh, Muay, Pencat Silat. Cháu của ông hiện nay là võ sĩ Muay số một Việt Nam: Nguyễn Trần Duy Nhất.
Bài viết có sự tham khảo Đại võ sư Tấn Tương Lai, Võ sư Tấn Thành Phúc, Võ sư Tấn Luỹ Fighter Việt Nam – Nguyễn Hồ Sĩ