Tin tức

Đại úy Trương Mạnh Phương: Tay đấm Quân Đội trứ danh trên sàn đối kháng Võ Cổ Truyền

Đăng lúc: 19-11-2021 - Đã xem: 2181

Sinh ra trong gia đình có truyền thống võ thuật tại vùng đất Phú Yên, từ nhỏ Đại úy Trương Mạnh Phương đã thừa hưởng những tinh hoa võ thuật của người cha là Đại võ sư Trương Hùng – truyền nhân chính của bài Bát Quái Côn - một trong 10 bài quyền chính thức trong hệ thống Võ Cổ Truyền Việt Nam.

 Theo lời của Đại võ sư Trương Hùng, lai lịch của bài côn có thể được xét đến từ những năm 1945, khi một người Việt gốc Hoa là ông Huỳnh Dền chạy giặc vào đất Phú Yên. Tại đây ông lập nghề dệt lụa ở thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa. Là người từng nhiều năm theo học võ Thiếu Lâm Tự ở Trung Quốc, ông mở lò võ dạy cho nhiều người. Trong số những học trò của ông có võ sư Trương Hường, chú ruột võ sư Trương Hùng, vừa là người nhà, vừa là người chăm chỉ nhất nên được ông truyền tất cả bí quyết, tinh hoa võ nghệ mà ông biết.

Đại Võ sư Trương Hùng biểu diễn cùng Cố Đại Võ sư Ngô Bông.

Bài Bát Quái Côn được coi là bảo bối của môn phái, chỉ được truyền trong dòng họ, không mở rộng ra bên ngoài. Sau đó Trương Hường dạy lại bài côn này cho những anh em trong họ trong đó có Đại võ sư Trương Hùng.

Bát Quái Côn được Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần thứ 3 do Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam chọn đưa vào chương trình quy định chung của võ thuật cổ truyền dân tộc vào năm 1995.

Đại úy Trương Mạnh Phương - Con trai Đại võ sư Trương Hùng.

Nói về Đại úy Trương Mạnh Phương, thừa hưởng tinh hoa võ thuật của gia đình, anh sớm tiếp xúc với võ thuật và nối gót người cha trên con đường này.

Đại úy  Phương sinh ngày 27/3/1983 tại xã Hòa Phong, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ngay từ khi lên 4 tuổi, Phương đã sớm được võ sư Trương Hùng truyền dạy cho những bài quyền, những đòn roi bát quái trứ danh gia truyền. Lớn lên từ môi trường võ thuật như vậy, nên Mạnh Phương ngày một trưởng thành và có niềm yêu thích lớn đối với võ thuật cổ truyền.

Theo Đại úy Phương chia sẻ, lúc ngoài 10 tuổi, anh đã tiếp cận và xem các phim võ thuật của huyền thoại Lý Tiểu Long cũng như võ sĩ nổi danh thời đó là Cung Lê. Đam mê quyền cước của Lý Tiểu Long cộng với những trận chiến máu lửa của Cung Lê trên sàn đấu nên Trương Mạnh Phương rất có hứng thú với võ thuật đối kháng.

Biết được sở thích của con trai, võ sư Trương Hùng đã gửi gắm Phương về với một võ sư chuyên đào tạo đối kháng là Phi Long Tuấn (nay là Chủ tịch Hội Võ Cổ Truyền Nha Trang). Những ngày tháng “bầm dập” khi tập dợt đối kháng đã biến Mạnh Phương thành một võ sĩ nặng đô ở các giải đấu trong nước.

Khởi đầu sự nghiệp thi đấu của Mạnh Phương là thi đấu Pencak Silat vào năm 15 tuổi cho đội tuyển trẻ Phú Yên. “Vạn sự khởi đầu nan”, không có bước đi đầu tiên nào là suôn sẻ, Phương thất bại cả 2 lần dự giải Pencak Silat trẻ toàn quốc vào các năm 2000 và 2002, khi đều giành huy chương đồng.

Hai thất bại đó xem như là bài học để tôi rèn một Trương Mạnh Phương xuất sắc trên võ đài khác – đó là đối kháng Võ Cổ Truyền.

Ở lần thượng đài thứ 3 trong sự nghiệp, Mạnh Phương không còn nếm mùi thất bại nữa, anh đã đổi màu huy chương thành công. Đó là vào năm 2004, anh giành được HC vàng đối kháng Võ Cổ Truyền tỉnh Khánh Hòa, tiếp sau đó là HC vàng của các tỉnh duyên hải miền Trung. Đỉnh cao của Phương là thành tích bất bại để lên ngôi tại Giải vô địch Võ Cổ Truyền toàn quốc năm 2004 hạng 54kg.

Thành tích của Phương chưa dừng lại tại đó, đến năm 2006, anh tiếp tục thi đấu ấn tượng và ẵm luôn tấm HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc tổ chức ở Bình Thuận. Một cột mốc đáng nhớ của Trương Mạnh Phương trong hơn 20 năm theo nghiệp võ.

 Đại úy Trương Mạnh Phương.

Khi đã có những vinh quang nhất định trên sàn đấu, Mạnh Phương đã có quyết định đúng đắn cho tương lai khi quyết tâm theo học tại Trường Đại học TDTT TP.HCM từ năm 2007 – 2010. Vào Sài Gòn, Mạnh Phương tiếp tục đầu quân vào đội tuyển võ thuật Quân Đội. Sự nghiệp của Mạnh Phương ‘như cá gặp nước’ khi tại đây anh được sự chỉ dạy tận tình của các HLV tên tuổi như Lê Phượng Vũ, Lê Hùng Liêm hay Lê Hoài Bảo Nguyên. Nhờ đó, Phương tiếp tục thi đấu thành công ở giải Quốc gia khi giành thêm 4 HCV ở hạng cân 57kg và 3 HCV hạng cân 60kg của bộ môn Võ Cổ Truyền.

Võ sư Lê Hùng Liêm.

Đỉnh cao thi đấu của Đại úy Trương Mạnh Phương dừng lại sau khi kết thúc Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010. Giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, anh chuyển hướng sang làm huấn luyện viên phụ trách bộ môn Võ Cổ Truyền Quân Khu 7.

Từ năm 2016 đến nay, Đại úy Trương Mạnh Phương chuyển về làm huấn luyện võ thuật tại Quân Khu 5. Với sự dìu dắt và giúp đỡ tận tình từ Thượng tá Nguyễn Duy Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Võ Thuật Quân đội, Đại úy Phương luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và giúp võ thuật Quân Khu 5 gặt hái được những thành công nhất định ở các giải võ thuật trong nước.

Trong giai đoạn huấn luyện tại Quân Khu 5, Đại úy Trương Mạnh Phương từng huấn luyện nhiều võ sĩ giành được các thành tích cao ở các giải đấu lớn trong nước. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Nguyễn Tấn Anh (HCV KickBoxing Toàn quốc 2018), Nguyễn Vũ Quý (Vô địch Đấu Trường Thép 2016, 2017). Ngoài ra, ở giải vô địch KickBoxing toàn quốc, Đại úy Phương còn giúp Quân Khu 5 giành thứ hạng 2 toàn đoàn năm 2019 và hạng 3 toàn đoàn năm 2021.

Dù đã rời xa các võ đài hơn 10 năm để chuyển sang công tác huấn luyện nhưng khi nhắc đến Trương Mạnh Phương, người ta vẫn nhớ đến anh với chiến tích bất bại ở nội dung đối kháng Võ Cổ Truyền giai đoạn 2004 – 2010.

Với tư chất, bản lĩnh của con nhà nòi, Đại úy Trương Mạnh Phương  đã tiếp nối làm rạng danh truyền thống võ học của gia đình trên các võ đài trong nước và cả công tác huấn luyện trong quân đội.

Một số hình ảnh trong công tác huấn luyện của Đại úy Trương Mạnh Phương:

 

 Võ Đạt - Fighter Việt Nam

0985429842 - 0939429842
Điện thoại : 0985429842